Zalo

1. Độ chính xác gia công và các yếu tố đánh giá độ chính xác gia công.

- Độ chính xác gia công của chi tiết máy là mức độ giống nhau về kích thước hình dáng hình học,vị trí tương quan của chi tiết máy được gia công so với chi tiết máy lý tưởng trên bản vẽ thiết kế.

-  Độ chính xác của chi tiết máy được gia công là chỉ tiêu khó đạt va gây tốn kém nhất kể cả trong quá trình xác lập ra nó cũng như trong quá trình chế tạo.

- Trong thực tế, không thể chế tạo được chi tiết máy tuyệt đối chính xác, nghĩa là hoàn toàn phù hợp về mặt hình học, kích thước cũng như tính chất cơ lý với các giá trị ghi trong bản vẽ thiết kế. Giá trị sai lệch giữa chi tiết gia công và chi tiết thiết kế được dùng để đánh giá độ chính xác gia công.

- Độ chính xác của chi tiết được đánh giá theo các yếu tố sau :

  •  Độ chính xác kích thước: được đánh giá bằng sai số kích thước thật so với kích thước lý tưởng cần có và được thể hiện bằng dung sai của kích thước đó .
  •   Độ chính xác hình dáng hình học: là mức độ phù hợp lớn nhất của chúng với hình dạng hình học lý tưởng của nó và được đánh giá bằng độ côn, độ ôvan, độ không trụ, độ không tròn... (bề mặt trụ), độ phẳng, độ thẳng (bề mặt phẳng).

  •  Độ chính xác vị trí tương quan: được đánh giá theo sai số về góc xoay hoặc sự dịch chuyển giữa vị trí bề mặt này với bề mặt kia (dùng làm mặt chuẩn) trong hai mặt phẳng tọa độ vuông góc với nhau và được ghi thành điều kiện kỹ thuật riêng trên bản vẽ thiết kế như độ song song, độ vuông góc, độ đồng tâm, độ đối xứng....
  • Độ chính xác hình dáng hình học tế vi và tính chất cơ lý lớp bề mặt: độ nhám bề mặt, độ cứng bề mặt...

- Khi gia công một loạt chi tiết trong cùng một điều kiện, mặc dù những nguyên nhân sinh ra từng sai số của mỗi chi tiết là giống nhau nhưng xuất hiện giá trị sai số tổng cộng trên từng chi tiết lại khác nhau. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là do tính chất khác nhau của các sai số thành phần.

- Một số sai số xuất hiện trên từng chi tiết của cả loạt đều có giá trị không đổi hoặc thay đổi nhưng theo một quy định nhất định, những sai số này gọi là sai số hệ thống không đổi hoặc sai số hệ thống thay đổi.

- Có một sai số khác mà giá trị của chúng xuất hiện trên mỗi chi tiết không theo một quy luật nào cả, những sai số này gọi là sai số ngẫu nhiên.

2. Các phương pháp đạt độ chính xác gia công trên máy

    Đối với các dạng sản xuất khác nhau thì sẽ có phương hướng công nghệ và tổ chức sản xuất khác nhau. Để đạt được độ chính xác gia công theo yêu cầu ta thường dùng hai phương pháp sau:

- Phương Pháp Cắt Thử:

  • Sau khi gá chi tiết lên máy, cho máy cắt đi một lớp phoi trên một phần rất ngắn của mặt cần gia công, sau đó dừng máy, đo thử kích thước vừa gia công. Nếu chưa đạt kích thước yêu cầu thì điều chỉnh dao ăn sâu thêm nữa dựa vao du xích trên máy, rồi lại cắt thử tiếp một phần nhá của mặt cần gia công, lại đo thử v.v... và cứ thế tiếp tục cho đến khi đạt đến kích thước yêu cầu thì mới tiến hành cắt toàn bộ chiều dài của mặt gia công. Khi gia công chi tiết tiếp theo thì lại làm như quá trình nói trên.
  • Trước khi cắt thử thường phải lấy dấu để người thợ có thể ra chuyển động của lưỡi cắt trùng với dấu đã vạch và tránh sinh ra phế phẩm do quá tay mà dao ăn vào quá sâu ngay lần cắt đầu tiên.

Phương Pháp Tự Động Đạt Kích Thước

  •  Trong sản xuất hàng loạt lớn, hàng khối, để đạt độ chính xác gia công yêu cầu, chủ yếu là dùng phương pháp tự động đạt kích thước trên các máy công cụ đã được điều chỉnh sẵn.
  • Ở phương pháp nàydụng cụ cắt có vị trí chính xác so với chi tiết gia công. Hay nói cách khác, chi tiết gia công cũng phải có vị trí xác định so với dụng cụ cắt, vị trí này được đảm bảo nhờ các cơ cấu định vị của đồ gá, còn đồ gá lại có vị trí xác định, trên bàn máy cũng nhờ các đồ định vị riêng.
  •   Khi gia công theo phương pháp này, máy và dao đã được điều chỉnh sẵn.
  • Chi tiết gia công được định vị nhờ cơ cấu định vị tiếp xúc với mặt đáy và mặt bên. 

3. Các nguyên nhân gây ra sai số gia công

- Các nguyên nhân sinh ra sai số hệ thống không đổi:

  • Sai số lý thuyết của phương pháp cắt.
  • Sai số chế tạo của dụng cụ cắt, độ chính xác và mòn của máy, đồ gá,.
  • Độ biến dạng của chi tiết gia công.

- Các nguyên nhân sinh ra sai số hệ thống thay đổi:

  • Dụng cụ cắt bị mòn theo thời gian gia công.
  • Biến dạng vì nhiệt của máy, đồ gá, dụng cụ cắt.

- Các nguyên nhân sinh ra sai số ngẫu nhiên:

  •  Tính chất vật liệu (độ cứng) không đồng nhất.\
  •  Lượng dư gia công không đều (do sai số của phôi).
  • Vị trí của phôi trong đồ gá thay đổi (sai số gá đặt)
  • Sự thay đổi của ứng suất dư.
  •  Do gá dao nhiều lần.
  • Do mài dao nhiều lần
  • Do thay đổi nhiều máy để gia công một loạt chi tiết.
  • Do dao động nhiệt của chế độ cắt gọt.
  • Các loại rung động trong quá trình cắt.

Tham khảo